Hôm nay mình sẽ giới thiệu về ngọn núi thiêng liêng của đất nước Nhật Bản và chia sẻ kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ rất là chi tiết của mình tới các bạn. Nếu đang có cơ hội ở Nhật, đừng bỏ lỡ điểm đến này nhé. Nếu không khi về Việt Nam rồi bạn sẽ hối tiếc lắm đấy.
Ngọn núi cao nhất tại Nhật bản là núi Phú Sĩ với độ cao 3.776,24m. Là đỉnh núi cao thứ 2 tại Châu Á, và thứ 7 trên Thế giới. Ngọn núi này cũng chính là biểu tượng của đất nước Nhật Bản. Núi Phú Sĩ trong tiếng Nhật gọi là “富士山- Fuji-san”. Đây là một ngọn núi lửa đang hoạt động ngầm, lần cuối phun trào là từ những năm 1707-1708, thời kỳ Edo của Nhật Bản. Núi Phú Sĩ trải dài trên địa phận tỉnh Shizuoka và tỉnh Yamanashi, ở phía Tây Nam Tokyo. Từ Tokyo bạn có thể đi xe bus ở Shinjuku đến trực tiếp trạm thứ 5 của núi Phú Sĩ chỉ mất khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ với chi phí 2700 yên/người 1 lượt. Vào những ngày nắng đẹp, bạn cũng có thể nhìn được núi Phú Sĩ từ các tòa nhà cao hoặc tháp Tokyo, Tokyo Skytree,…
Đồ cần chuẩn bị khi leo núi Phú Sĩ
1. Áo khoác ấm (Nên mặc ở trong thêm áo giữ nhiệt bởi vì đỉnh núi rất lạnh)
2. Quần thể thao (nên mặc thêm quần giữ nhiệt nha. Ngoài ra không nên mặc quần bò vì sẽ khó khăn khi leo núi)
3. Mũ len (hoặc mũ lưỡi trai cùng Ok nhé)
4. Tất chân (nên chuẩn bị 2 đến 3 đôi, vì lạnh lắm đó ^^)
5. Giày leo núi (đừng dại mà mang mấy đôi giày búp bê hay giày lười nha. Nhất định leo núi là phải giày thể thao thật êm chân và chọn loại không dễ bị trơn trượt. Nên đi đôi giày nào mà xác định leo về rồi vứt luôn ấy nhé. ^^)
6. Găng tay chuyên dụng leo núi.
7. Đèn pin chiếu sáng (trường hợp bạn leo vào ban đêm hoặc leo 2 ngày 1 đêm)
8. Balo đựng đồ ăn (đưa balo đeo sau để không mất sức nhé)
9. Khẩu trang (đường leo núi rất bẩn và lên núi cũng lạnh nữa nên tốt nhất nên chuẩn bị khoảng 2-3 cái khẩu trang nhé)
10. Đồ ăn dự trữ (chủ yếu là đồ ăn vặt để bạn ăn đỡ mất sức lúc leo từ trạm thứ 5 lên đỉnh núi thôi. Bởi vì ở trạm thứ 5 này có nhiều cửa hàng ăn và giá cũng không quá đắt nên bạn không phải lo vấn đề ăn uống. Nên mang theo socola nhiều, vì socola khá tốt khi mất sức có thể bổ sung năng lượng rất nhanh, có thể mang theo cơm nắm, snack, mì tôm ly, trứng gà luộc chẳng hạn, ^^. Lúc leo núi mất sức khiến bạn nhanh đói hơn bình thường vì vậy ăn một quả trứng trên đó cảm giác ngon hơn gấp 100 lần khi ăn ở nhà. ^^. Ngoài ra có thể mang theo hoa quả, mình nghĩ nên đưa theo nho, dưa chuột,… vì nó không quá nặng như các loại hoa quả khác mà khi leo núi ăn cũng ngon)
11. Nước uống (Cái quan trọng nhất ^^. Không có nước thì bạn coi như toi mạng trên đó đấy nha. Ở các trạm dừng chân cũng có bán tuy nhiên tốt nhất bạn nên chuẩn bị những chai nước nhỏ cỡ 500ml, chuẩn bị khoảng 3-4 chai)
12. Áo mưa (trường hợp trời mưa bạn có thể đem ra sử dụng. May hôm chúng mình đi trời rất đẹp nếu không sẽ bẩn lắm. Tốt nhất bạn nên xem dự báo thời tiết để chọn ngày không mưa đi nhé. Ngoài ra áo mưa cũng có thể mặc khi mà trời không mưa nhưng thấy lạnh quá. ^^)
13. Kính mắt (vì đường bụi nên phòng theo kính mắt để bảo vệ mắt nhé. Hơn nữa thì càng lên gần đỉnh núi, tia tử ngoại càng mạnh.)
14. Oxy cầm tay (Phòng trường hợp sợ độ cao dẫn đến cơ thể thiếu oxy không thở được)
15. Tiền xu (mang thật nhiều đồng 100 yên nha).
16. Gậy leo núi (Có thể chuẩn bị ở nhà hoặc đến trạm 5 mua gậy ở đó, khoảng 1000yeen/ gậy)
17. Miếng dán giữ nhiệt
Vòng dạ quang để nhận biết đồng đội vào ban đêm. ^^
Quy tắc khi leo núi Phú Sĩ
- Khi leo núi Phú Sĩ tuyệt đối không được vứt rác bừa bãi và rác phải tự mang về nhà.
- Không hái hoa, bẻ cây, săn bắt các loài động thực vật
- Không mang đá nham thạch, đá,…về nhà
- Tuyệt đối không được viết, vẽ bậy
- Không dựng lều, đốt lửa
- Không mang theo thú cưng (chó, mèo,..)
- Trên đường leo núi phải ưu tiên những người đi lên
- Không làm bẩn các cơ sở thiết bị công cộng như nhà vệ sinh,…
- Không leo ra ngoài những vùng cấm.
- Không phá vỡ địa hình các nham thạch
Hành trình leo núi Phú Sĩ
Mỗi năm có khoảng 200,000 lượt người leo lên đỉnh núi này, trong đó 30% là người nước ngoài. Hồi chúng mình leo cũng gặp được nhiều người Việt Nam lắm nhé, chủ yếu là du học sinh Việt Nam đang sống và học tập bên này. Còn những người đi du lịch thì hầu như chỉ tới trạm 5 của núi để ngắm phong cảnh thôi. Đường leo lên núi được chia ra 10 trạm cơ bản, từ điểm khởi đầu lên tới trạm thứ 5 là đã trèo 2300 mét so với mực nước biển. Từ trạm khởi đầu lên đến trạm thứ 5 hầu hết mọi người di chuyển bằng xe bus vì vậy không hề tốn một chút sức nào cả. Gian nan là từ trạm thứ 5 lên đến đỉnh núi cơ. ^^. Từ trạm thứ 5 đã thấy được người cao hơn mây rồi. Nên bạn nào có cơ hội đến Tokyo du lịch, cũng đừng bỏ lỡ địa điểm di tích lịch sử này nhé.
Trạm 5
Thời gian có thể leo lên đỉnh núi là vào mùa hè hằng năm từ khoảng đầu tháng 7 đến gần cuối tháng 8. Thời điểm này thì không được phép leo lên đỉnh núi, bởi vì thời tiết rất lạnh. Hồi đó bọn mình leo vào giữa mùa hè, khi mà thời tiết ở Tokyo cứ 34 đến 35 độ nóng chảy mồ hôi nhưng lên đến tầng 5 của núi Phú Sĩ thôi đã cảm nhận được cái lạnh như mùa đông rồi. 3h sáng leo đến đỉnh núi thì chỉ biết ngồi sát vào nhau để chống đỡ với cái lạnh mặc dù mang một đống quần áo ấm mùa đông phủ lên người nhưng vẫn phải thua cái giá rét trên đỉnh núi đó. Mùa hè mà chúng mình còn thấy được cả băng trên đỉnh núi là các bạn biết nó lạnh thế nào rồi đấy nhé.
Theo dõi thời gian có thể leo núi bằng cách cập nhật trang chủ: http://www.fujisan-climb.jp/
Kinh nghiệm đi leo núi là không nên đi một mình mà nên đi theo nhóm đông người, vì nếu đi một mình có chuyện gì xảy ra sẽ không có ai hỗ trợ. Đi đông người thì sẽ yên tâm hơn.
Chúng mình chọn leo núi Phú Sĩ vào 2 ngày 1 đêm, leo vào buổi đêm tuy hơi nguy hiểm hơn một tí so với bạn ngày nhưng bù lại thì leo buổi tối sẽ mát hơn so với buổi ngày và bạn có thể ngắm được mặt trời mọc trên đỉnh núi. Khoảnh khắc mặt trời mọc cùng tất cả mọi người trên đỉnh núi lúc đó rất thiêng liêng. Tuy là lạnh đến nỗi không thể đưa cả bàn tay ra nhưng cảm giác chinh phục được ngọn núi này nó tự hào không thể tả được nên dù lạnh muốn cong cả răng nhưng cả bọn vẫn cố chụp được rất nhiều hình để kỉ niệm hành trình vượt núi này. Nếu bạn vẫn muốn ngắm mặt trời mọc nhưng không muốn leo núi vào buổi tối thì nên di chuyển sớm hơn sau đó tìm quán trọ ở trạm dừng chân để nghỉ ngơi và chờ đến khoảng 5h sáng mặt trời mọc rồi lên ngắm. Tuy nhiên, quán trọ cũng chỉ là 1 nơi nghỉ trọ đơn thuần. Ở đây sẽ không có các trang thiết bị, vật dụng đầy đủ như ở khách sạn, những vật dụng cần thiết các bạn nên mang theo. Ngoài ra, vào mùa cao điểm sẽ khá đông khách, ngay cả khi các bạn đã đến quán trọ nhưng cũng không thể vào được. Vì vậy các bạn nên tìm hiểu đặt trước cho chắc chắn ^^. Phí nghỉ trọ trung bình khoảng từ 5,000 Yên ~, nếu nghỉ 1 đêm và có thêm 2 bữa ăn thì giá khoảng 7,000 ~ 10,000 Yên. Có nhiều nơi sẽ không sử dụng được thẻ tín dụng, vì vậy các bạn nên chuẩn bị trước tiền mặt.
Hành trình trèo núi mất khoảng 6 đến 7 giờ (tùy thuộc vào thời gian nghỉ giải lao của bạn khi leo) và đường đi rất gian nan đó nha cần phải thật cẩn thận khi leo để không bị sẩy chân. Khi xuống núi thì sẽ nhanh hơn bởi vì đường xuống thoai thoải cảm giác cứ như có người đẩy đi nên không mất sức như lúc leo lên nên chỉ mất khoảng 2 đến 5 giờ. Tuy nhiên không phải vậy mà bạn được chủ quan đâu, bởi vì nếu không cẩn thận sẽ bị ngã xước tay xước chân đau lắm đấy. Bọn mình leo vào khoảng 17 giờ chiều gì đó nhưng đến đỉnh núi khoảng gần 3h sáng. Vì lí do đi có rất nhiều bạn gái nên thời gian nghỉ giải lao giữa đường là cứ 5 phút leo lại nghỉ 1 lần. Vì quá mệt. ^^. Tốt hơn hết là lúc đi xe bus đến trạm thứ 5 thì các bạn nên ăn uống thoải mái nghỉ ngơi, đi vệ sinh và mua gậy chống để leo núi. Có nó bạn sẽ đỡ mất sức hơn rất nhiều lúc leo lên cũng như leo xuống. Giá 1 gậy bán ở đó tầm 1,000 yên/gậy đến 1,500 yên/gậy. Mình thấy người Nhật thường thì đến các trạm dừng chân sẽ đóng stamp để kỉ niệm hành trình phượt núi Phú Sĩ rồi mang về. Bọn mình thì có mua gậy nhưng chả đóng được cái stamp nào bởi vì không thấy hứng thú lắm với cái đó và lúc leo thì mệt rồi hơi đâu đi tìm cái đó đóng nữa đâu. Xuống đến núi tặng luôn gậy cho các bạn Việt Nam khác đang chuẩn bị leo lên để kỉ niệm. ^^.
Hình chúng mình chụp được lúc hoàng hôn vừa mới leo, lúc này vừa mới bắt đầu nên tâm trạng còn hồ hởi và chụp được nhiều hình chứ đi thêm đoạn nữa đứa nào cũng mệt thở không nổi nên chả có cái hình nào. ^^
Ngoài ra thì kinh nghiệm khi leo núi Phú Sĩ là hãy chuẩn bị thật nhiều đồng 100 yên vào nhé, bởi vì đi vệ sinh trên này giá tiền cứ tăng dần lên. ^^. Ở các trạm dưới như trạm thứ 5, thứ 6 gì đó là 100 yên/ lượt nhưng lên dần là 200 yên/lượt đến 300 yên/ lượt cũng có luôn. ^^. Nhà vệ sinh trên núi Phú Sĩ khá đông, vì vậy cũng có những người chọn giải pháp hạn chế đi vệ sinh hoặc hạn chế bổ sung nước, tuy nhiên để tránh tình trạng thiếu nước dẫn đến vấn đề về sức khoẻ hay các bệnh thường gặp khi lên núi cao thì các bạn đừng quên bổ sung thêm nước thường xuyên. Nếu các bạn lo lắng thì có thể mang theo nhà vệ sinh di động phòng trường hợp khẩn cấp. Trên khu vực đỉnh núi, vào lúc trước và sau khi bình minh lên (Khoảng từ 5h sáng trở đi) là khoảng thời gian mà nhà vệ sinh sẽ đông nhất.

Đường lên đỉnh núi có 2 cách đi, đường Kawaguchi Yoshida và đường Fujinomiya. Đường Kawaguchi thời gian leo lâu hơn, đông người leo hơn nhưng lại an toàn hơn và có nhiều quán nhỏ ven đường khi đến các trạm dừng chân. Đường Fujinomiya tuy thời gian leo ngắn hơn, người leo ít hơn nhưng lại có ít các quán ven đường và cũng dốc hơn. Đường Fujinomiya thì đường lên và đường xuống giống nhau. Chúng mình đã chọn ường Kawaguchi Yoshida để leo, tuy khá đông người và thời gian lâu hơn nhưng bù lại thì đã rất vui và mọi người đều an toàn. (Chỉ có một điều là ai cũng chủ quan mang ít quần áo nên lên đến đỉnh núi khá sớm so với dự định nên lạnh cóng. Vì vậy các bạn cũng nên chú ý điều này nhé. ^^)
Đoạn đường từ trạm 5 đến trạm 6 khá dễ đi. Nhưng trạm 7 là vách núi dựng đứng, yêu cầu bạn phải di chuyển cẩn thận và không được nghỉ. Đến trạm 8, 9 và 10 hành trình sẽ khó khăn hơn, bởi đường đi gập ghềnh, nhiều sườn dốc, không có chỗ nghỉ chân, trạm nghỉ cũng cách nhau rất xa. Ở các trạm dừng chân đều có chỗ nghỉ ngơi vì vậy cứ thấy mệt là nghỉ thôi à, ^^. Vì chúng mình leo khá sớm nên rất dư giả thời gian cho đến khi mặt trời mọc.
Mì tôm ăn trên núi trở nên ngon hơn gấp 100 lần. ^^
Trạm 8 rồi. ^^
Khoảng thời gian lên đến đỉnh núi chờ mặt trời mọc là khoảng thời gian lạnh nhất vì lúc đó chỉ ngồi chờ mà không leo nữa nên càng dần càng thấy lạnh. Phải miêu tả cái lạnh lúc 3,4 giờ sáng đó rất kinh khủng luôn ấy nên bạn nhớ phải mang thật nhiều áo ấm để giữ nhiệt cho cơ thể, tất chân phải mang 3 cái, ^^, găng tay đầy đủ nhé.
Khoảnh khắc bình minh lên rất hùng vĩ và thiêng liêng.
Sau đó là hành trình xuống núi. ^^
Lời kết
Núi Phú Sĩ là một ngọn núi thiêng liêng, người Nhật ai cũng muốn được chinh phục một lần. Vì vậy nếu có cơ hội đừng bỏ lỡ điểm đến này nhé. Lúc chưa leo ai cũng cản và bảo rằng leo núi Phú Sĩ mệt lắm, sức con trai còn không chịu được huống gì là con gái. Thế mà chúng mình đã chinh phục được nó. Tất nhiên là đã nhờ sự giúp đỡ tuyệt vời của các bạn trai và cả những người xung quanh. Mặc dù chưa từng quen biết nhau nhưng ở giữa núi rừng xa xôi, tinh thần đoàn kết của mọi người tự nhiên trỗi dậy hơn tất cả. Đã có những lúc không thể thở nổi chứ đừng nói là ngắm nhìn phong cảnh hữu tình hay gì cả nhưng chúng mình đều đã vượt qua được tất cả. Vậy đấy, tuy leo núi rất mệt nhưng bù lại chúng mình đã có rất nhiều kỉ niệm trong lúc chinh phục nó, trải qua cái lạnh cùng nhau, chia sẻ với nhau đồ ăn giữa cái rét. May là đi cùng với một đoàn rất đông người nên có rất nhiều đồ ăn và không cảm thấy đói chút nào luôn. ^^.
Cảm giác thanh xuân đã chinh phục được một điều rất lớn lao, sau này cũng có thể tự hào rằng mình đã đặt chân lên đó, trên đó đã từng có vết chân của chúng tôi, thanh xuân đó chúng tôi đã từng bên nhau vui như thế,…cảm giác kể lại mà lòng vẫn bồi hồi. Hi vọng bạn cũng được trải nghiệm một lần với hành trình chinh phục ngọn núi Phú Sĩ này nhé. Leo núi không chỉ là chinh phục ngọn núi mà còn là chinh phục bản thân mình, chinh phục tuổi trẻ quý báu này. ^^