Mục Nhật Bản mùa này giới thiệu “kafunsho” – Dị ứng phấn hoa.
Vào thời kỳ này trong năm, nhiều người tại Nhật Bản bị dị ứng phấn hoa. Những người dị ứng phấn hoa bắt đầu có những triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng và ngứa mắt. Một số người có triệu chứng rất nặng, không thể ngủ vào ban đêm do hít thở khó khăn, thậm chí gây tai nạn do hắt hơi trong khi lái xe.
Nguyên nhân gây dị ứng là phấn hoa của cây tuyết tùng (sugi) phát tán mạnh trong không khí từ tháng 2 đến tháng 3, và phấn hoa của cây bách Nhật (hinoki) từ tháng 4 đến tháng 5. Rừng tuyết tùng và bách Nhật chiếm khoảng 20% diện tích đất của Nhật Bản và đây đều là rừng nhân tạo. Cách đây khoảng 40 năm, Nhật Bản trồng rất nhiều tuyết tùng và bách Nhật để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ phục vụ công cuộc phục hưng sau Thế chiến thứ Hai. Không có nước nào trên thế giới trồng 2 loại cây này với mật độ dày trên diện tích hẹp như Nhật Bản.
Nhiều người ở Nhật dị ứng phấn hoa đến mức đây được coi là “bệnh toàn dân”. Khoảng 30 năm trước, nhiều chính quyền địa phương và các công ty dự báo thời tiết tư nhân đã đưa ra dự báo mức phấn hoa phát tán trong không khí như một đối sách trước căn bệnh này. Để giảm nhẹ triệu chứng, điều thiết yếu là hạn chế tiếp xúc với phấn hoa ở mức tối thiểu bằng cách đeo kính, đeo khẩu trang và súc họng. Để giảm lượng phấn hoa trong không khí, cũng có những biện pháp đang được thực hiện như trồng thay thế bằng các loại cây tuyết tùng khác ít phấn hoa hơn.